Chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ở nước ngoài
Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Đồng thời nhà nước cũng quản lý, giám sát các hoạt động đầu tư ở nước ngoài để đảm bảo đầu tư có hiệu quả. Nhà nước quy định nhà đầu tư và các cơ quan ban ngành có liên quan phải định kỳ báo cáo các hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Tham khảo thêm: thành lập công ty vốn nước ngoài
Tham khảo thêm: Thay đổi giấy chứng nhận đầu tư
Chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ở nước ngoài
Quy định về chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ở nước ngoài được quy định trong Luật đầu tư 2014 Điều 72.
Điều 72. Chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ở nước ngoài
1. Đối tượng thực hiện chế độ báo cáo:
a) Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Cơ quan đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
c) Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật này.
2. Chế độ báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Định kỳ 06 tháng và hàng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có báo cáo tình hình quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo chức năng, nhiệm vụ của mình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
b) Định kỳ 06 tháng, hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình đầu tư trên phạm vi cả nước và báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện chế độ báo cáo tình hình quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Chế độ báo cáo của nhà đầu tư:
a) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày dự án đầu tư được chấp thuận hoặc cấp phép theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải gửi thông báo bằng văn bản về việc thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài kèm theo bản sao văn bản chấp thuận dự án đầu tư hoặc tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư;
b) Định kỳ hàng quý, hàng năm, nhà đầu tư gửi báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư;
c) Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư kèm theo báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước, ngoài việc thực hiện chế độ báo cáo quy định tại các điểm a, b và c khoản này, nhà đầu tư phải thực hiện chế độ báo cáo đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
4. Báo cáo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này được thực hiện bằng văn bản và thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.
5. Các cơ quan, tổ chức và nhà đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu liên quan đến công tác quản lý nhà nước hoặc những vấn đề phát sinh liên quan đến dự án đầu tư.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm quy định về các hình thức hoạt động đầu tư ở nước ngoài mà nhà đầu tư có thể lựa chọn và các dự án cần quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài.
Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài theo các hình thức
- Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
- Thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài;
- Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài;
- Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
- Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài
Tùy thuộc vào dự án có q vốn đầu tư ra nước ngoài mà nhà đầu tư cần phải có quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài.
Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với:
a) Dự án có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên;
b) Dự án yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với:
a) Dự án thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên;
b) Dự án đầu tư không thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông nhưng có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra các dự án không thuộc các trường hợp trên nhưng có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20 tỷ đồng trở lên thì chỉ cần xin ý kiến của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Nguyễn Chính Alex có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Doanh nghiệp, đầu tư, marketing, kinh doanh, thương mại, tư vấn cấp phép, thuế, đất đai, hôn nhân, thừa kế, đăng ký kết hôn nước ngoài.
Giám đốc pháp chế tại TLDN VN