Trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư cụ thể là như thế nào? Các cơ quan nhà nước sẽ quản lý các vấn để đầu tư ra sao ?
Nhà nước quản lý về đầu tư nhằm mục đích đảm bảo các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư đúng quy định pháp luật; hoạt động đầu tư phát triển theo chiến lược, quy hoạch mà nhà nước đặt ra; hoạt động đầu tư kinh doanh phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế – xã hội. Các cơ quan nhà nước sẽ có trách nhiệm quản lý các vấn đề về đầu tư thuộc sự phân công quản lý của mình.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư
Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư
Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư sẽ gồm một số nội dung như: Ban hành, phổ biến và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư; Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; Tổ chức và thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư; Kiểm tra, thanh tra và giám sát hoạt động đầu tư; quản lý và phối hợp quản lý hoạt động đầu tư…
Trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư
Luật đầu tư 2014 quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư nằm ở Điều 68. Trong đó trách nhiệm quản lý của Chính phủ và các cơ quan ban ngành liên quan được quy định như sau:
Trách nhiệm quản lý của Chính phủ:
1.Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.
Trách nhiệm quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
2.Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.
3. Trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài;
b) Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài;
c) Ban hành biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài;
d) Hướng dẫn, phổ biến, tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư;
đ) Tổng hợp, đánh giá, báo cáo tình hình đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài;
e) Xây dựng, quản lý và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư;
g) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc giám sát, đánh giá, thanh tra hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài;
h) Trình cấp có thẩm quyền quyết định việc đình chỉ thực hiện dự án đầu tư đã được cấp, điều chỉnh không đúng thẩm quyền, trái với quy định của pháp luật về đầu tư;
i) Quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế;
k) Quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư và điều phối hoạt động xúc tiến đầu tư tại Việt Nam và ở nước ngoài;
l) Đàm phán, ký kết điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động đầu tư;
m) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác về quản lý hoạt động đầu tư theo phân công của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trách nhiệm quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ:
4. Trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ:
a) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc xây dựng pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư;
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc xây dựng và ban hành pháp luật, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn thực hiện;
c) Trình Chính phủ ban hành theo thẩm quyền điều kiện đầu tư đối với ngành, nghề quy định tại Điều 7 của Luật này;
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy hoạch, kế hoạch, danh mục dự án thu hút vốn đầu tư của ngành; tổ chức vận động, xúc tiến đầu tư chuyên ngành;
đ) Tham gia thẩm định các dự án đầu tư thuộc trường hợp quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật này;
e) Giám sát, đánh giá, thanh tra chuyên ngành việc đáp ứng điều kiện đầu tư và quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền;
g) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các bộ, cơ quan ngang bộ giải quyết khó khăn, vướng mắc của dự án đầu tư trong lĩnh vực quản lý nhà nước; hướng dẫn việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
h) Định kỳ đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
i) Duy trì, cập nhật hệ thống thông tin quản lý đầu tư đối với lĩnh vực được phân công và tích hợp vào Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.
Trách nhiệm quản lý của UBND cấp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế:
5. Trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế:
a) Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ lập và công bố Danh mục dự án thu hút đầu tư tại địa phương;
b) Chủ trì thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
c) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền;
d) Giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư;
đ) Định kỳ đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư trên địa bàn và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
e) Duy trì, cập nhật Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư đối với lĩnh vực được phân công;
g) Chỉ đạo việc tổ chức, giám sát và đánh giá thực hiện chế độ báo cáo đầu tư.
Trách nhiệm quản lý của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:
6. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ hoạt động đầu tư và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư.
Chính phủ thống nhất quản lý về hoạt động đầu tư cả trong và ngoài nước. Các cơ quan ban ngành gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ và cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đều có trách nhiệm quản lý và quyền hạn thực hiện việc quản lý trong lĩnh vực được phân công, trong khu vực, địa bàn quản lý tương ứng.
Nguyễn Chính Alex có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Doanh nghiệp, đầu tư, marketing, kinh doanh, thương mại, tư vấn cấp phép, thuế, đất đai, hôn nhân, thừa kế, đăng ký kết hôn nước ngoài.
Giám đốc pháp chế tại TLDN VN